Điểm mới về phương án tuyển sinh của trường Đại học Y Hà Nội năm 2021

Trường Đại học Y Hà Nội thông tin dự kiến những điểm mới về chỉ tiêu, phương thức, đào tạo, học phí của nhà trường trong năm 2021.

Hiện tại, Trường Đại học Y Hà Nội chưa công bố đề án tuyển sinh nhưng thông tin dự kiến, đề án tuyển sinh 2021 của trường về cơ bản không thay đổi nhiều so với năm 2020.

Trường Đại học Y Hà Nội thông tin những điểm mới dự kiến về chỉ tiêu, phương thức, đào tạo, học phí của nhà trường trong năm 2021.

Dự kiến những điểm mới về phương án tuyển sinh của trường Đại học Y Hà Nội năm 2021 - 1

Theo đó, năm 2021, tổng chỉ tiêu đào tạo sẽ tăng nhẹ nhưng vẫn trong giới hạn ổn định, không có sự thay đổi về mã ngành.

Phương án xét tuyển căn cứ chủ yếu vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, một phần dành cho xét tuyển thẳng. Điểm mới năm nay là nhà trường sẽ dành một số ưu tiên nhất định với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Cụ thể, theo định hướng tăng cường năng lực ngoại ngữ của sinh viên tiến đến hội nhập, tổ chức các chương trình quốc tế trong đào tạo, Trường Đại học Y Hà Nội dành 10% chỉ tiêu bác sĩ y khoa đào tạo tại cơ sở chính (tầm 40 chỉ tiêu) cho những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là tiếng Anh và tiếng Pháp – 2 ngoại ngữ đang được giảng dạy tại trường.

Với phương thức này, trường sử dụng tổ hợp điểm thi môn Toán-Hoá-Sinh và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển, lấy từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu. Dự kiến, điểm chuẩn phương thức này sẽ không thấp hơn quá 3 điểm so với xét tuyển điểm thi THPT.

Trường Đại học Y Hà Nội không xét học bạ nên thí sinh chỉ cần có điểm thi tốt nghiệp THPT đạt chuẩn và đỗ tốt nghiệp là đủ điều kiện.

Ngoài tuyển sinh tại trụ sở chính, nhiều năm nay, nhà trường mở rộng tuyển sinh về phân hiệu tại Thanh Hoá. Lãnh đạo nhà trường nhấn mạnh phân hiệu tại Thanh Hoá là cơ sở trực thuộc Trường Đại học Y Hà Nội, tuyển sinh 2 mã ngành là Bác sĩ y khoa (tuyển sinh năm thứ 6) và cử nhân Điều dưỡng (tuyển sinh năm thứ 2). Chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, chất lượng đầu ra tại phân hiệu đều giống như đào tạo tại trụ sở chính. Bằng cấp cũng không có sự phân biệt nào, chỉ là địa điểm, cơ sở vật chất được đặt tại Thanh Hoá.

Điểm đầu vào tại phân hiệu thấp hơn cơ sở chính nhưng năm 2020 cho thấy điểm đã tiệm cận cơ sở chính. Vì thế, thí sinh không nên lo lắng về sự phân biệt. Chọn nguyện vọng học tại phân hiệu sẽ là cơ hội vô cùng quý giá đối với những thí sinh có điểm thấp hơn một chút để đỗ vào cơ sở chính. Thí sinh nên tận dụng cơ hội này để trúng tuyển.

Theo Trường Đại học Y Hà Nội, nhà trường có 4 mã ngành đào tạo bác sĩ là Y khoa, Răng-Hàm-Mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng.

Như vậy, với 3 ngành Răng-Hàm-Mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng thì tên gọi đã định vị rõ ngành học và vị trí việc làm, học ngành nào sẽ làm về ngành đó. Còn lại tên gọi ngành có bác sĩ hiện nay như bác sĩ da liễu, bác sĩ thẩm mĩ, bác sĩ hồi sức cấp cứu… sinh viên sẽ phải hoàn thành chương trình học bác sĩ y khoa, sau khi học xong bác sĩ y khoa rồi mới học bác sĩ chuyên khoa.