CHÍNH TRỊ: BÀI MỞ ĐẦU

 

BÀI MỞ ĐẦU

ĐỐI TƯỢNG, CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ MÔN HỌC CHÍNH TRỊ

 

  1. Đối tượng nghiên cứu, học tập

Chính trị là một bộ phận của kiến thức thượng tầng và xã hội gồm hệ tư tưởng chính trị, nhà nước liên quan đến giai cấp, tổ chức, đảng phái, dân tộc các tầng lớp xã hội mà cốt lõi là vấn đề giành chính quyền, lãnh đạo tổ chức và xác định nội dung hoạt động của nhà nước.

Chính trị xuất hiện khi xã hội phân chia thành giai cấp dựa trên cơ sở kinh tế là biểu hiện tập trung nhất của kinh tế, đồng thời chính trị có vị trí độc lập và có tác dụng to lớn đối với kinh tế.

Môn Giáo dục chính trị nghiên cứu những quy luật chung nhất của hoạt động chính trị, cơ chế tác động, những phương thức sử dụng hiện thực hoá những quy luật chung đó, nghiên cứu hoạt động của Đảng phái và chính quyền, các tổ chức chính trị, giai cấp và các mối quan hệ về chính trị giữa các lực lượng đó của các chế độ xã hội.

Mục đích của môn Giáo dục Chính trị là trang bị cho người học nhận thức cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối lãnh đạo của Đảng, làm rõ những vấn đề có tính quy luật của cách mạng Việt Nam, của giai cấp công nhân Việt Nam, góp phần bồi dưỡng nhận thức tư tưởng, giáo dục niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và định hướng trong quá trình học tập, rèn luyện cho người học.

  1. Chức năng, nhiệm vụ

Môn Giáo dục Chính trị góp phần đào tạo người lao động bổ sung vào đội ngũ giai cấp công nhân, tham gia công đoàn Việt Nam, giúp người học nghề tự ý thức rèn luyện, học tập đáp ứng yêu cầu về tri thức và phẩm chất chính trị phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Môn Giáo dục Chính trị có hai chức năng:

  • Chức năng nhận thức giúp người học hiểu biết hệ thống tri thức về nền tảng tư tưởng của Đảng và của cách mạng, nội dung họat động lãnh đạo, quản lý và xây dựng của Đảng, Nhà nước ta. Nắm vững chức năng này là hiểu biết cơ bản đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, những kiến thức về các quy luật phát triển của xã hội Việt Nam.
  • Chức năng giáo dục tư tưởng chính trị giúp cho người học tham gia vào việc giải quyết nhiệm vụ hiện tại, giáo dục niềm tin vào sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Nó có tác dụng quan trọng với người học trong việc trau dồi thế giới quan, phương pháp luận khoa học, xây dựng niềm tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đó, có quyết tâm phấn đấu thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng.

Nhiệm vụ của môn Giáo dục Chính trị ở Việt Nam là: Nghiên cứu các hoạt động của hệ thống Chính trị ở nước ta, nghiên cứu nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng nước ta, cung cấp những hiểu biết cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, hiểu biết về truyền thống quý báu của dân tộc, của giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam.

Về  kỹ năng sau khi học, người học cần biết vận dụng kiến thức đã học để rèn luyện trở thành người lao động mới có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức tốt và năng lực công tác, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hóa đất nước. Có tư tưởng tốt, tình cảm tốt đẹp, có ý thức trách nhiệm thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Yêu cầu cụ thể đối với giáo viên và học sinh, sinh viên khi nghiên cứu môn Giáo dục Chính trị phải chú ý sử dụng kiến thức cơ bản đã biết từ các môn học khác nhau và nắm bắt hoạt động thực tiễn của đất nước, địa phương, của trường đào tạo nghề cho mình, của ngành nghề tương lai của mình, doanh nghiệp mình sẽ làm việc để liên hệ, vận dụng và giải quyết công việc trong quá trình học tập và công tác.

  1. Phương pháp và ý nghĩa học tập

Phát huy tính chủ động của thầy và tính tích cực của trò, gắn lý luận với thực tiễn, thảo luận tích cực, người học tích cực tự nghiên cứu để nắm vững các tri thức trong quá trình học tập.

Thầy và trò cần đổi mới mạnh mẽ, áp dụng các phương pháp giảng dạy và học tập tích cực, làm cho quá trình dạy, học sinh động, thiết thực và có hiệu quả. Giáo viên cần được bồi dưỡng, cập nhật những quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, các trường cần có tổ bộ môn Chính trị trực tiếp chỉ đạo việc quản lí, giảng dạy. Để môn Chính trị đạt hiệu quả cao, giáo viên cần áp dụng Phương pháp dạy học tích cực, kết hợp giảng dạy môn Chính trị với học tập Nghị Quyết của Đảng, phổ biến pháp luật của Nhà nước, các phong trào của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, của địa phương và các hoạt động của ngành chủ quản, gắn lý luận với thực tiễn để định hướng nhận thức và rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho người học nghề.

Trong quá trình học tập môn Chính trị, có thể tổ chức cho sinh viên thảo luận xem băng hình, phim tư liệu lịch sử, chuyên đề thời sự hoặc tổ chức đi tham quan nghiên cứu các điển hình sản xuất công nghiệp, các di tích văn hoá ở địa phương.

Môn Giáo dục Chính trị là một trong những nội dung quan trọng của đào tạo nghề nhằm thực hiện mục tiêu nâng cấp trình độ giác ngộ và giáo dục toàn diện, góp phần khắc phục những sai lầm, khuyết điểm cho người lao động. Vì vậy, nó là môn học bắt buộc trong tất cả các chương trình dạy nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và là một trong những môn học tham gia vào các môn thi tốt nghiệp của học sinh trước khi ra trường.

Nghiên cứu, học tập, nắm vững tri thức chính trị có ý nghĩa rất to lớn trong việc giáo dục phẩm chất chính trị, lòng trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, tính kiên định cách mạng trước tình hình chính trị phức tạp ở trong nước và quốc tế, giáo dục về truyền thống cách mạng, về chủ nghĩa yêu nước và lòng tự hào đối với Đảng và đối với dân tộc Việt Nam, bồi dưỡng ý chí chiến đấu cách mạng, có ý chí biết noi gương những người đi trước, học tập và lao động thông minh, sáng tạo, có kỹ thuật, có kỷ luật và năng suất cao, phát triển những thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân ta, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *