“Nhất nghệ tinh” và học thêm kỹ năng mềm sẽ dễ dàng kiếm việc

Ngoài nghề chính, học thêm kỹ năng để hoàn thiện bản thân, ví như kỹ sư muốn học thêm tiếng Anh để giao tiếp, đọc tài liệu nước ngoài… sẽ rất tốt. Chứ tham học nhiều nghề cũng không hẳn hiệu quả.

Tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp trực tuyến do Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM vừa tổ chức, một sinh viên năm cuối lo lắng hỏi: “Hiện em đang học năm 3 nhóm ngành xã hội. Em thấy tình hình dịch Covid-19 phức tạp quá, sợ ra trường vào năm sau khó xin việc làm. Em có thể học một khóa học nghề ngắn hạn nào để dễ kiếm việc trong khi chờ đợi kinh tế phục hồi hay không”?

Đây cũng là nỗi lo của rất nhiều sinh viên năm cuối tại các trường đại học hiện nay, đặc biệt là sinh viên đang theo học những ngành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 như du lịch, nhà hàng…

Trên một diễn đàn sinh viên, bạn Linh An sinh viên năm 2 ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại một trường đại học tư thục lo lắng: “Hơn 1 năm nữa là ra trường rồi, khi đó dù Covid-19 đã hết thì có rất nhiều anh chị giỏi nghề đang thất nghiệp cũng đi tìm việc, không biết còn chỗ làm cho mình hay không”?

Trả lời vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM khẳng định là không nên.

Theo ông Tuấn, học đại học, nhất là học ngành xã hội vốn là đi theo con đường nghiên cứu hàn lâm với lượng kiến thức rất lớn. Do đó, sinh viên nên chuyên tâm vào ngành mình đang học, đừng phân tán mà có khi học nhiều nhưng không có cái nào tốt.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Nếu đã đi theo con đường nghiên cứu hàn lâm thì đầu tư nhiều thời gian vào nó, kiên trì con đường mình đã chọn thì mới có khả năng thành công. Còn nếu ngay từ đầu bản thân thấy mình có tư duy hành động, thích làm công việc thực tế thì chọn ngay nghề nào đó hệ cao đẳng, trung cấp để theo học”.

“Thời nay thị trường lao động cần những nhân sự giỏi trong nghề chứ không phải là biết nhiều nghề. Đã chọn ngành nào, nghề nào thì chuyên tâm học, kiên trì với nghề chứ đừng nên học nửa vời, tham nhiều thứ”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Theo ông Tuấn, có nhiều người ban đầu chọn học đại học, nhưng sau đó thấy không phù hợp với bản thân thì dứt khoát bỏ ngang, lùi xuống học hệ cao đẳng hay trung cấp nghề lại thành công.

Nguyên nhân bởi lao động trình độ đại học mang tính học bản chất, lý thuyết và nghiên cứu nhiều hơn. Còn học trung cấp nghề, cao đẳng nghề thì lại có tỉ lệ thực hành rất cao, cọ xát với nghề ngay từ ghế nhà trường rất nhiều, ra trường là làm việc ngay được. Hai cấp trình độ này có hướng phát triển khác nhau và phù hợp với những người có tố chất, sở thích khác nhau.

Do đó, điều quan trọng là phải lựa chọn cho mình ngành nghề phù hợp để theo học ngay từ đầu, tránh học ngành không đúng sở thích, năng lực rồi ra trường khó kiếm việc, hoặc có việc nhưng làm không có niềm vui, khó thành công trong nghề nghiệp.

Trả lời sinh viên mong muốn học một khóa nghề ngắn hạn, ông Tuấn cho rằng: “Nếu em cảm thấy ngành mình đang học phù hợp với bản thân và năng lực mình học được thì kiên trì đeo đuổi, nếu không thì nên chọn bậc học cao đẳng. Bởi sau này em muốn phát triển hơn thì hoàn toàn có thể học liên thông khi có điều kiện”.

“Còn nếu như ngoài ngành nghề chính, mình muốn học thêm một số kỹ năng phụ để hoàn thiện bản thân thì rất tốt. Ví như cô gái trẻ muốn học thêm nghề bếp để nấu những bữa ăn ngon cho gia đình, hay kỹ sư muốn học thêm tiếng Anh để giao tiếp, đọc tài liệu nước ngoài. Chứ tham học nhiều nghề cũng không tốt”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ chân tình với những bạn đang phân vân chọn nghề: “Con đường nghề nghiệp là học mãi, học suốt đời, không có đường vòng. Xuất phát điểm có thể thấp, nhưng phải bước đi từng bước mới có thể thành công. Theo nghề thì phải kiên trì, có lúc này lúc khác nhưng phải đam mê và đeo đuổi nghề mình đã chọn mới có thể thành công”.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *